Tại hội nghị, các báo cáo viên đã từng là đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội nói chung và trong chất vấn nói riêng, được nhân dân và cử tri tin tưởng, các chuyên gia có kinh nghiệm hoạt động dân cử đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND tỉnh về hoạt động nghị trường, nhằm giúp cho các đại biểu nắm bắt và biết cách vận dụng một số kỹ năng cơ bản nhất trong hoạt động chất vấn thông qua các chuyên đề chủ yếu như:

- Tổng quan về hoạt động chất vấn, như khái niệm về chất vấn: đặc điểm của câu hỏi chất vấn; mục đích của hoạt động chất vấn; mối tương quan giữa chất vấn và trách nhiệm chính trị; hệ quả hoạt động chất vấn; quy trình, thủ tục của hoạt động chất vấn.

- Kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn và công tác chuẩn bị phục vụ hoạt động chất vấn. Phân tích và xác định vấn đề đưa ra chất vấn; lựa chọn vấn đề chất vấn để tạo nên sự ủng hộ của Nghị trường; xác định nguyên nhân chủ quan hay khách quan tác động tới vấn đề đưa ra chất vấn; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan tới vấn đề đưa ra chất vấn; cách trình bày nội dung chất vấn; kinh nghiệm xây dựng cơ hội chất vấn.

- Kỹ năng thuyết trình (thương thuyết) và tranh luận trong chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhằm giúp các đại biểu nắm bắt được những yêu cầu cơ bản trong quá trình thuyết trình và tranh luận như: mục đích của việc tranh luận, thương thuyết là gì? Cách đánh giá thế nào đối với giá trị thông tin thu được của việc tranh luận, thương thuyết; nội dung đưa ra thương thuyết, tranh luận là gì? Xác định trách nhiệm đối với nội dung tranh luận vì thương thuyết là để đi đến kết luận giám sát; thái độ, chuẩn mực của người chất vấn đối với người trả lời chất vấn.

- Kỹ năng nghiên cứu, phân tích báo cáo của Chính phủ và xử lý thông tin phục vụ công tác chất vấn. Cách xác định các nhóm vấn đề nổi cộm trong báo cáo của Chính phủ, để từ đó sẽ đề xuất các nhóm vấn đề nào sẽ đưa ra phiên họp chất vấn; Kinh nghiệm hoạt động theo nhóm để trao đổi, chia sẻ những quan tâm, những yêu cầu đặt ra trước khi đưa vấn đề ra chất vấn. Kinh nghiệm phân tích thông tin, số liệu từ báo cáo của Chính phủ nhằm nêu vấn đề chất vấn.

- Kỹ năng đặt câu hỏi, câu hỏi bổ sung và đưa kiến nghị khi chất vấn: Mục đích, phạm vi của câu hỏi chất vấn bổ sung; Các bước chuẩn bị câu hỏi chất vấn về một vấn đề; Cách sử dụng từ ngữ dưới dạng văn nói (không sử dụng từ ngữ theo hình thức văn bản); Xác định nguyên nhân yếu kém của vấn đề để đề xuất những giải pháp khắc phục.

Sau khi nghiên cứu các chuyên đề đã được các báo cáo viên trình bày, các đại biểu đã thảo luận và thực hành nhiều bài tập có nội dung thiết thực với hoạt động của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, như: Kỹ năng lựa chọn vấn đề chất vấn và công tác chuẩn bị phục vụ chất vấn, Kỹ năng thuyết trình và tranh luận trong chất vấn của ĐBQH, Kỹ năng đặt câu hỏi, câu hỏi bổ sung và đưa kiến nghị khi chất vấn.

Thông qua các chuyên đề của hội nghị, mỗi đại biểu dân cử sẽ tiếp tục nghiên cứu và vận dụng một số kỹ năng cơ bản nhất trong hoạt động của ĐBQH và HĐND, có cách thức tiếp cận khoa học hơn, hiệu quả hơn trong hoạt động chất vấn, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thông qua chất vấn tại nghị trường.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan